Hiển thị các bài đăng có nhãn Cat-ba. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cat-ba. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2019

Du Lịch Cát Bà - Thiên đường du lịch biển

Từ bến phà Bính (Thành phố Hải Phòng), nếu muốn nhanh, du khách có thể tiếp cận Cát Bà bằng tàu Cao tốc (chỉ mất 45 phút). Nhưng để tận hưởng khung cảnh trời nước mênh mông vùng cửa biển, du khách có thể lựa chọn phương án đi bằng tàu du lịch mất khoảng 2h là có thể tiếp cận đảo Ngọc. Điều ngạc nhiên là khi rời khỏi phà Bính, phù sa châu thổ làm cho cả một vùng cửa biển rộng lớn nước đục ngầu. Nhưng chỉ ít phút sau, gần đến Cát Bà, nước biển đã xanh màu ngọc bích, cả trời, biển và đảo hoà một màu xanh ngút mắt.

Du-lich-cat-bà


Sau hành trình lênh đênh sóng nước, du khách sẽ có một phút chuếnh choáng khi đặt chân lên đảo nhưng cảm giác đó sẽ qua nhanh. Thị trấn Cát Bà xinh đẹp, dịu dàng hình trăng khuyết hiện ra ngay trước mắt du khách. Nếu đã từng thăm Cát Bà vài năm trước, du khách sẽ ngỡ ngàng bởi những thay đổi về cơ sở hạ tầng ở đây. Những con đường mới rộng thênh thang, nhà hàng, khách sạn đua nhau mọc lên. Đặc biệt, dự án khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng bến du thuyền, casino, và công viên giải trí Cát Bà Amatina do công ty Vinaconex – ITC đầu tư quản lý và xây dựng đang từng bước hoàn thiện hạ tầng khiến thị trấn nhỏ năm xưa nay đã mang dáng dấp của một thành phố du lịch thực sự.

Nghỉ ở Cát Bà, du khách có nhiều lựa chọn tuỳ theo sở thích. Có thể đơn giản là một ngôi nhà nghỉ ven biển với mức giá 300.000 đến 500.000 VND/phòng/đêm. Sang trọng hơn, du khách có thể lựa chọn khách sạn 3 sao Holiday View hoặc Cát Bà Resort với mức giá từ 60 USD đến 120 USD/phòng/đêm. Ở đâu, du khách cũng có thể thưởng thức được hơi thở mặn mòi của biển và màu xanh mát của cây rừng.

Về ẩm thực, đến Cát Bà không thể không nhắc đến những món ngon đã làm nên thương hiệu cho vùng đất du lịch này. Đó là món Tu Hài nướng trên bếp than. Đây là loài sò biển, vỏ hình bầu dục hơi thuôn, khi bị kích thích nó phun ra một tia nước rất mạnh và xa, nên gọi là Tu Hài. Ở Việt Nam chỉ Cát Bà có Tu Hài và được nuôi quanh năm để cung cấp cho du khách ghé thăm đảo du lịch Cát Bà. Ngoài ra là vô vàn những món ăn hấp dẫn như cua bấy rang, ghẹ hấp, bề bề rang muối, sò nhảy nướng mỡ hành…

Sau giờ nghỉ trưa, du khách có thể thuê một chiếc xe gắn máy dạo chơi một vòng quanh đảo trước khi đắm mình trong làn nước biển xanh mát của các bãi tắm. Buổi chiều ở Cát Bà khi triều lên thường có sóng lớn. Những du khách thạo bơi và ưa nhảy sóng sẽ có khoảng thời gian thú vị khi tắm biển vào cuối giờ chiều. Những ai thích cảm giác êm ái, mềm mại để làn nước biển nhẹ nhàng xoa dịu cơ thể thì nên chọn thời gian buổi sáng, thuỷ triều rút xuống, các bãi tắm lộ ra một vùng cát vàng miên man và làn nước xanh ngọc chỉ còn lăn tăn sóng. Nước biển Cát Bà ấm nên dù tắm vào buổi chiều muộn hay sáng sớm không phải là vấn đề đáng lo ngại.

Một điểm đến khác mà du khách không thể bỏ qua khi đến Cát Bà là khu rừng nguyên sinh nằm trong Vườn quốc gia Cát Bà. Nằm cách trung tâm thị trấn Cát Bà khoảng 8 km về phía Tây Bắc, vườn quốc gia Cát Bà với hàng trăm loại động, thực vật phong phú sẽ là nơi mang lại cảm giác khám phá hết sức thú vị cho du khách. Đi bộ dưới tán rừng nguyên sinh, du khách có thể cảm nhận rõ ràng mùi hương rừng ngai ngái, trong lành – những trải nghiệm của tuổi thơ thuở nào bất chợt hiện về trong tâm trí du khách mà nhịp sống hối hả nơi thị thành đã khiến người ta quên lãng. Trên hành trình thăm vườn quốc gia, du khách có thể ghé thăm động Trung Trang, động Hoa Cương, động Thiên Long… cũng hứa hẹn nhiều phát hiện lý thú.

Du lịch cao cấp đến Cát Bà, Hải Phòng sẽ tăng trưởng trong tương lai

Du lịch cao cấp đến Cát Bà, Hải Phòng sẽ tăng trưởng trong tương lai

Hạ tầng giao thông thuận tiện, hạ tầng du lịch ngày càng phát triển là những thành tố quan trọng để Cát Bà - một trong hai khu du lịch nổi tiếng của thành phố Cảng, thu hút khách du lịch cao cấp.

Ông Vũ Tiến Lập, Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Cát Hải cho biết, 9 tháng năm 2019, tổng số khách du lịch tới Cát Bà ước đạt 2,5 triệu lượt khách (đạt gần 93% so với kế hoạch, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018); trong đó, khách quốc tế ước đạt 626.600 lượt người (đạt hơn 96%), khách nội địa ước đạt 1,873 triệu lượt khách (đạt trên 91%). Tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch 9 tháng ước đạt 1.410,9 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ.

Trong thời gian tới, Cát Bà có nhiều cơ hội để thu hút khách du lịch cao cấp. Cụ thể, năm 2020, Khu nghỉ dưỡng Flamingo Cát Bà với hơn 1.000 phòng nghỉ sẽ đưa vào khai thác, một khách sạn 5 sao cũng sẽ được khánh thành. Hiện Cát Bà có 230 cơ sở lưu trú, trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 2 khách sạn 3 sao, 13 khách sạn 2 sao, 20 khách sạn 1 sao. Các khách sạn đang hoạt động tại Cát Bà đều đang rất tích cực quảng bá hình ảnh, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Theo bà Bùi Thị Chót, Trưởng Phòng Marketing Khách sạn Hùng Long, khách du lịch ngày càng yêu cầu cao đối với cơ sở lưu trú và các dịch vụ. Để đáp ứng yêu cầu của du khách, Khách sạn Hùng Long liên tục nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, tận tâm.

Cùng với các phòng nghỉ hạng sang trên bờ, nhiều du khách lựa chọn nghỉ đêm tại du thuyền trên vịnh. Cát Bà đang có 130 tàu hoạt động trên các vịnh do huyện Cát Hải quản lý, trong đó có 70 thuyền lưu trú qua đêm. Một ngày lưu trú trên du thuyền có giá từ 200 - 600 đô la Mỹ/người.


Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải đang tham mưu với thành phố Hải Phòng  phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai xây dựng Đề án xây dựng quần đảo Cát Bà trở thành trung tâm du lịch quốc tế theo lộ trình đến năm 2025.

Hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại sẽ tạo đà để Cát Bà đạt mục tiêu. Hiện tại, du khách đến với Hải Phòng rất thuận tiện. Ngoài đường bộ, đường sắt, các hãng hàng không tại Việt Nam đều đã mở chuyến bay đi và đến sân bay Cát Bi như Hải Phòng – Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, Pleiku, Nha Trang và nhiều chuyến bay đi Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan. Thành phố Hải Phòng đang xúc tiến mở thêm các đường bay mới tới các thành phố lớn của Nhật Bản. Năm 2019, lượt khách đến Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi ước đạt 2,7 triệu người. Lượng khách qua Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi tăng trung bình 10% mỗi năm.


                        Theo TTXVN

Huyện Cát Hải - Đảo Cát bà qua câu chuyện cổ tích

Huyện đảo Cát Hải có biết bao truyền thuyết, thần thoại được thêu dệt bằng trí tuệ, tình cảm của người dân trên đảo từ bao đời.

Đảo Cát bà

Chuyện kể rằng đã từ lâu lắm, vùng đảo núi đá này từng là hậu cứ của các bà trồng tỉa, hái lượm, cung cấp lương thực thực phẩm cho các ông ở phía trước chống lại giặc giã, khi chúng tới đánh chiếm đảo. Cũng từ trận chiến đấu này đã xuất hiện nhiều nữ tướng dũng cảm nên người đời xưa đã đặt tên cho đảo này là đảo Các Bà rồi sau này gọi lệch đi là đảo Cát Bà. Cũng từ tên gọi truyền thống này mà từ đó đến nay phụ nữ trên đảo luôn phát huy vai trò trong công cuộc xây dựng, bảo vệ huyện đảo. Những tên gọi cát Phù Long, núi Đầu Voi, sông Phượng... mỗi địa danh là một sự tích hào hùng. Người huyện đảo không thể không tự hào về truyền thống của mình. Trên mảnh đất của làng nghĩa Lộ ngày nay còn tồn tại một ngôi miếu  thờ người phụ nữ đã sinh ra người trai làng dũng cảm Hùng Sơn. Hùng Sơn là người đã có công tham gia đánh giặc Ân đời vua Hùng thứ sáu. Truyền thuyết về người trai làng dũng cảm Hùng Sơn như một nét nhạc hùng, âm vang tinh thần yêu nước của một người dân trên mảnh đất này.

Do có đặc điểm địa hình núi rừng hiểm trở, tài nguyên phong phú, từ xa xưa các nhà quân sự đã rút ra một kết luận:

"Thắng vi đế vi vương
Bạ Cát Bà vi cứ"

Đảo Cát Bà đã từng là căn cứ của bao cuộc khởi nghĩa. Năm 1750 thủ lĩnh nông dân Nguyễn Hữu Cầu (tức Quận He) dấy quân chống lại chế độ phong kiến nhà Trịnh đã lấy đảo Cát Bà làm căn cứ. Khi triều đình nhà Nguyễn bán rẻ đất nước cho Pháp, người dân trên đảo đã phẫn uất không kém gì nỗi phẫn uất của nhân dân cả nước. Năm 1893 khi quân Pháp đổ bộ lên đảo Cát Bà, ngư dân trên đảo đã tổ chức chiến đấu đánh trả quyết liệt. Mở đầu là cuộc khởi nghĩa của Hoàng Thống Tề người trai làng Trân Châu đã dựng cờ khởi nghĩa chống lại hành động bán nước của nhà Nguyễn (vào năm 1873 - 1874). Từ đất Cát Bà , nghĩa quân đi tới đâu bọn quan lại phong kiến bị đánh tan tới đó, càng đánh càng mạnh. Khi cuộc khởi nghĩa lan rộng tới Quảng Yên - Hải Dương tràn xuống Thái Bình, triều đình nhà Nguyễn đã phải tập trung lực lượng đối phó. Trên đường biển, em gái Hoàng Thống Tề là bà Hoàng Lan Vù cũng đã huy động một đạo quân tiên theo bờ biển về hợp với đạo quân của ông Hoàng Thống Tề tại Thái Bình. Đứng trước sức mạnh của đội quân triều đình, cuộc khởi nghĩa của hai anh em Hoàng Thống Tề và Hoàng Lan Vù đã bị dập tắt. Cuộc khởi nghĩa này đã khẳng định lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm của người dân trên đảo nói chung và phụ nữ Cát Hải nói riêng.

Vào những năm 1889 - 1893 phong trào chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Bắc Kỳ dấy lên mạnh mẽ. Thực dân Pháp và triều đình phong kiến thẳng tay đàn áp phong trào. Tiền Đức, một thủ lĩnh nghĩa quân miền Duyên hải đã lui quân về đảo Cát Bà xây dựng củng cố lực lượng, vùng núi non hiểm trở Cát Bà trở thành một trong những căn cứ chính của nghĩa quân. Tiền Đức đã dựa vào địa hình vùng Trung Trang, Mái Gợ, Trà Báu xây dựng đồn điền, đồn trung, đồn hậu. Cả căn cứ được bố phòng như một trận địa cố thủ kiên cố với bẫy đá hầm chông. Dân trên đảo tích cực tham gia phong trào của nghĩa quân. Tiền Đức đã chọn lựa một số dân địa phương trong đội quân của mình để giao nhiệm vụ quan trọng.

Huyện đảo Cát Hải cũng như biết bao miền quê trên đất nước chúng ta, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, mỗi trang đều thấm đầy máu, mồ hôi và nước mắt. Từ thuở bình minh dựng nước, Cát Hải đã có những trang đầu đẹp đẽ, người Việt cổ đã từng sinh sống trên mảnh đất này. Di chỉ Cái Bèo là minh chứng cho niềm tự hào của mỗi người dân trên đảo. Con người Cát Hải từ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác luôn luôn củng cố truyền thống cần cù trong lao động, dũng cảm trong chiến đấu, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Bằng đức tính cần cù trong lao động, con người huyện đảo đã không ngừng tô đẹp cho thiên nhiên ngày một hoàn thiện hơn.
Nguồn từ phòng văn hóa huyện Cát Hải